Gần đây Dash một đồng tiền kỹ thuật số chưa có mấy người biết đến bỗng chốc đột ngột tăng giá một cách nhanh chóng và lượng giao dịch cũng tăng rất khủng khiếp lên đến hơn 70 triệu đô la chỉ trong vòng một ngày với mức giá lúc cao nhất lên đến 58 USD. Vậy tại sao Dash lại được thổi giá lên cao đến vậy? Tại sao lượng giao dịch của nó lớn đến vậy? Phải chăng Dash có điểm gì đó rất hấp dẫn làm người ta quan tâm đến nó? Liệu nó có phải đồng tiền thay thế Bitcoin hay còn cái gì đó lớn hơn thế? Liệu chúng ta có cơ hội gì khi quan tâm đến nó không?
Dash là một loại tiền kỹ thuật số
Dash ban đầu là một dự án mã nguồn mở về một loại tiền kỹ thuật số dựa trên Litecoin, nhưng sau đó nhóm phát triển thấy Litecoin chậm cập nhật những đổi mới công nghệ nên đã viết lại toàn bộ dựa trên mã nguồn của Bitcoin. Bởi vậy Dash có gần như tất cả các đặc tính của Bitcoin và tương thích với Bitcoin cũng như rất nhiều dịch vụ được làm cho Bitcoin như ví Electrum, SPV, Exodus, và nhiều dịch vụ như Safe Shift, Shakepay, Spectrocoin, Wall of Coins, Coinpayments...
Tuy nhiên, là một loại tiền kỹ thuật số nhưng Dash cũng có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với Bitcoin và những loại tiền kỹ thuật số khác ở chỗ: Khả năng bảo vệ tính riêng tư cao với PrivateSend, khả năng xác thực tức thời với InstantSend, khả năng biểu quyết và ra quyết định Decentralized Governance cho phép cộng đồng của Dash biểu quyết việc mở rộng blocksize lên 2 MB chỉ trong vòng 24 giờ trong khi cộng đồng Bitcoin đã tranh cãi nhiều năm mà không đưa được ra giải pháp, khả năng cấp vốn phi tập trung Decentralized Funding thì cho phép đội ngũ phát triển của Dash có kinh phí đầu tư để tiếp tục phát triển các tính năng mới trong khi các loại coin khác phải trông chờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi bởi các nhà tài trợ,...
Dash là phương tiện thanh toán
Do đặc tính phi tập trung nên các loại tiền kỹ thuật số thường phải mất thời gian để đồng bộ thông tin giữa các nút mạng mà các nút mạng này được chạy bởi các máy tính cá nhân kết nối không cố định với mạng Internet nên không có được tốc độ cao và sự ổn định. Bởi vậy hầu hết các loại tiền kỹ thuật số đều cần một khoảng thời gian xác thực tương đối lâu. Cụ thể là Bitcoin cần đến 6 xác thực, mỗi xác thực mất khoảng 10 phút nên một giao dịch của Bitcoin mất đến cả tiếng đồng hồ. Hơn nữa vì kết nối mạng chậm và không ổn định nên khả năng xử lý giao dịch cũng rất yếu kém, điển hình như Bitcoin chỉ có thể xử lý được tối đa 7 giao dịch trong một giây nên khi Bitcoin trở nên phổ biến thì có rất nhiều giao dịch không được xử lý, các máy đào được lập trình để ưu tiên cho những giao dịch trả phí cao nên những giao dịch trả phí thấp bị ách lại đến cả ngày thậm chí vài ngày mới được xử lý. Mà để xử lý thì chi phí giao dịch cũng khá cao nhất là đối với những giao dịch với giá trị thấp thì Bitcoin càng ngày càng mất dần ưu thế so với các giải pháp thanh toán tập trung như Venmo hay Paypal.
Ngược lại với Dash, nhờ mạng lưới các nút mạng được kết nối cố định với Internet tốc độ cao (mỗi nút mạng có IP tĩnh và đặt tại các Datacenter) nên tốc bộ đồng bộ rất nhanh. Ở Dash những nút mạng này được gọi là các Masternode và người chạy Masternode được trả công cho việc đầu tư cấu hình mạnh mẽ và quản trị hệ thống để sao cho hệ thống chạy nhanh, và ổn định.
Với hạ tầng được xây dựng bởi các Masternode thì mạng lưới của Dash có một nền tảng cho các dịch vụ gia tăng được phát triển trên đó như PrivateSend, InstantSend, Decentralized Governance, Decentralized Funding, và tiếp theo có thể là những dịch vụ như Decentralized API, Decentralized Oracles,... và đến cả phiên bản ví có tên là Evolution cho phép người dùng không cần biết những phức tạp của tiền kỹ thuật số mà có thể dùng thuận tiện như Paypal nữa.
Thay đổi mô hình kinh doanh tạo nên giá trị khổng lồ
Nếu chỉ có những cải tiến về phương diện thanh toán và tiền kỹ thuật số không thôi thì Dash không có gì đáng nói lắm. Nó cũng giống như những cải tiến công nghệ mà hàng ngày vẫn diễn ra trên thế giới. Tuy có những giá trị nhất định nhưng nó không thực sự tạo nên đột phá và tạo được lợi thế kinh doanh đủ mạnh và lâu dài để chế ngự thị trường công nghệ vốn đang có nhiều cạnh tranh khốc liệt.
Chúng ta thấy những công ty như Microsoft, Apple, Google, Facebook, Uber,... không chỉ thành công vì có những công nghệ đột phá mà họ đã làm thay đổi hẳn mô hình kinh doanh thường thấy để đưa ra một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới mẻ và nắm lợi thế lâu dài của việc hoán vị mẫu (paradigm shifted) trong cách kinh doanh và thu lợi nhuận. Ví dụ như trước Microsoft mọi người thường kiếm lợi nhuận bằng việc bán các sản phẩm hữu hình nhưng Microsoft trở nên thống trị bằng việc thay đổi cách nghĩ của mọi người và kiếm lợi nhuận bằng việc bán phần mềm và thống trị trong lĩnh vực này. Tương tự vậy Google thay đổi hẳn cách nghĩ phải kiếm tiền bằng việc bán phần mềm hay phần cứng mà lại kiếm lợi bằng quảng cáo và Google đã thống lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến bấy lâu nay để rồi hàng loạt các công ty Internet đi theo dựa trên mô hình kinh doanh dựa vào quảng cáo online... Cách kinh doanh trên mạng được một học giả là Don Tabscott đã khái quát hoá nó thành một nền kinh tế mà người dùng tạo ra và cũng đồng thời tiêu thụ sản phẩm do chính những người dùng khác tạo ra gọi là nền kinh tế Wikinomics trong tác phẩm cùng tên nổi tiếng của mình.
Ở mô hình kinh tế kiểu Wikinomics người dùng khắp nơi công tác với nhau tạo nên giá trị và tạo nên sản phẩm để người dùng khác tiêu thụ. Chúng ta có thể thấy mô hình này được áp dụng trong các sản phẩm của Google, của Facebook, hay của Lamchame.com nơi những người dùng cộng tác với nhau để tạo nên thông tin cho những người khác tham khảo, học hỏi và chia sẻ... Vì sản phẩm được tạo thành bằng sự cộng tác của rất nhiều người dùng nên chi phí dành cho công ty thấp, họ chỉ cần duy trì hạ tầng công nghệ và khuyến khích người dùng tạo nhiều nội dung hơn nữa cho những người dùng khác, bởi vậy mà các công ty như Google, Facebook,... trở thành những công ty khổng lồ vượt qua cả những công ty có bề dầy hoạt động hàng trăm năm như Ford, General Motor...
Kế thừa từ mô hình Wikinomics AirBnB và Uber cũng tạo nên đột phá với mô hình kinh doanh mới (chứ không hẳn đã có công nghệ siêu việt, trừ gần đây Uber có phát triển công nghệ xe tự lái) và trở nên lớn mạnh một cách vô cùng nhanh chóng. Chỉ trong vài năm họ đã trở thành những công ty có trị giá hàng chục tỷ đô la. AirBnB không sở hữu một phòng khách sạn nào bỗng trở thành một công ty khách sạn lớn nhất thế giới, còn Uber không sở hữu một chiếc taxi nào bỗng trở thành công ty taxi số một thế giới hoạt động ở khắp mọi nơi thậm chí đang hoạt động ở cả Việt Nam. Những công ty đó lớn mạnh nhờ mô hình kinh doanh mà người dùng chia sẻ tài sản của họ cho những người dùng khác, đối với AirBnB thì người dùng chia sẻ các phòng trống trong gia đình họ cho những người dùng cần thuê phòng, còn với Uber thì người dùng dùng ô tô của họ để cung cấp dịch vụ cho những người dùng có nhu cầu đi lại mà không có xe.
Bitcoin suýt tạo ra một mô hình kinh doanh mới thành công về dịch vụ tài chính
Chúng ta có thể thấy Bitcoin suýt nữa đã tạo ra cuộc cách mạng trong việc áp dụng mô hình kinh doanh của AirBnB và Uber trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Những người dùng của Bitcoin là các thợ mỏ (miners) chia sẻ tài nguyên của họ để thực hiện việc xác thực các giao dịch cho những người cần các dịch vụ chuyển tiền thay vì dùng dịch vụ được cung cấp bởi các ngân hàng. Chúng ta dễ thấy các ngân hàng giống như các công ty taxi truyền thống còn Bitcoin giống như Uber.
Tuy nhiên mô hình của Uber vẫn cần một hạ tầng công nghệ mạnh mẽ giúp cho những người dùng kết nối với nhau một cách tin cậy, nhanh chóng, thuận tiện và có trải nghiệm người dùng thân thiện (vấn đề UI/UX). Có thể nói Bitcoin đã khá thành công trong việc tạo ra một mạng lưới người dùng rất đông đảo và lớn mạnh khắp toàn thế giới. Nhưng cũng giống như Linux, Bitcoin không có trải nghiệm người dùng thân thiện, tốc độ xác thực giao dịch gây thất vọng, khả năng thực hiện giao dịch kém khiến chi phí cho mỗi giao dịch cao làm cho việc giao dịch trên Bitcoin trở nên ngày càng cao. Chúng ta thấy rằng mô hình kinh doanh của Bitcoin đang trở nên thất bại vì các thợ mỏ muốn thao túng việc xác thực và đẩy giá xác thực lên cao do nhu cầu giao dịch nhiều mà năng lực xử lý giao dịch lại hạn chế. Ngoài ra các công ty giúp cho trải nghiệm của Bitcoin trở nên đơn giản hơn cũng phải tìm cách kiếm lợi nhuận nên chi phí cho người dùng của Bitcoin trở nên không rẻ như mục tiêu ban đầu. Chúng ta nên nhớ rằng các dịch vụ như Uber đem lại lợi ích cho cả người đi xe (được rẻ hơn) và lợi ích cho người lái xe (kiếm được nhiều tiền hơn nhờ không tốn thời gian chờ khách).
Dash với vai trò là một đồng tiền kỹ thuật số thì đang từng bước khắc phục được tất cả những nhược điểm của Bitcoin tức là vẫn đảm bảo cho người dùng của nó được trải nghiệm người dùng thân thiện mà chi phí lại cực thấp. Nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì tầm thường quá, mô hình kinh doanh của Dash chỉ có vậy thì đâu có gì vượt trội hơn so với việc thực hiện được tầm nhìn của Bitcoin? Và nếu chỉ có vậy thì đâu đáng để chúng ta phải kỳ vọng vào nó nhiều?
Dash có một mô hình kinh doanh đột phá
Chúng ta thấy rằng tất cả từ Google, Facebook, AirBnB, Uber... đều có các nhà đầu tư và họ kiếm được lợi nhuận trên sự đóng góp của người dùng. Chúng ta hàng ngày đóng góp nội dung cho Facebook bằng việc chia sẻ cảm xúc, ảnh gia đình, còn những nhà đầu tư của Facebook thì thu lợi nhuận trên những đóng góp đó. Một gia đình chia sẻ căn phòng của họ cho những người dùng khác và kiếm chút tiền để đỡ lãng phí căn phòng trống còn AirBnB kiếm lợi trên % của hàng triệu căn phòng đó, và Uber thì cũng vậy. Bởi thế mà Mark Zuckerberg và Travis Kalanick nhanh chóng trở thành những tỷ phú một cách thần kỳ.
Dash thay đổi mô hình kinh doanh đó bằng một cách công bằng hơn. Đầu tiên, Dash giống như một công ty hơn là một mạng lưới cộng tác ngẫu hứng, nó cũng có các nhà đầu tư, cũng có hội đồng quản trị,... và tất nhiên nó cũng phải phân chia lợi nhuận cho các cổ đông. Không giống như Bitcoin chỉ coi người dùng gồm 2 loại là các thợ mỏ và giao dịch chuyển tiền thì Dash coi những người dùng của nó có nhiều loại bao gồm thợ mỏ là những người giúp xác thực cho các giao dịch, những chủ masternode giúp cung cấp hạ tầng, các lập trình viên giúp nâng cấp trải nghiệm và tiện ích của Dash để Dash chạy trên hạ tầng được cung cấp nhờ đó đem lại sự thuận tiện, dễ dàng, và nhanh chóng cho người dùng...
Thay vì coi tất cả những người dùng giống nhau thì Dash tạo động lực cho từng nhóm người một cách khác nhau. Với người dùng thông thường, Dash tạo động lực cho họ bằng chi phí giao dịch thấp, sử dụng thuận tiện dễ dàng. Với người dùng là các thợ mỏ, Dash tạo động lực cho họ bằng số coin mới được sinh ra và chi phí giao dịch. Đối với các lập trình viên Dash tạo động lực cho họ bằng việc trả lương bằng Dash (như là thưởng bằng cổ phiếu), đối với những người làm marketing, truyền thông, luật sư, quản trị dự án... Dash cũng trả lương bằng Dash để họ có thêm động lực làm giá trị Dash (cổ phiếu) mà họ nắm giữ tăng giá lên. Với những nhà đầu tư sở hữu 1000 Dash trở lên họ cần phải đầu tư vào máy móc làm hạ tầng cho mạng lưới hoạt động thì họ cũng thu được % lợi nhuận trên đầu tư bằng Dash, những khoản đầu tư này cũng giúp giữ ổn định giá và do đó những người này có quyền biểu quyết cho những hoạt động của Dash cũng như các quyết định cấp vốn cho những dự án. Vì họ đầu tư nhiều hơn nên họ có động lực mạnh hơn trong việc biểu quyết những dự án nào tốt cho Dash về mặt dài hạn. Chúng ta có thể thấy những người này giống như thành viên trong hội đồng quản trị của công ty.
Chúng ta thấy trong công ty ảo Dash mọi người có thể ở đâu đó khắp nơi trên thế giới nhưng đều có động lực làm việc làm tăng giá trị cho mạng lưới và cho số Dash mà họ nắm giữ. Khi mạng lưới này càng trở nên hữu dụng cho người dùng thì càng có nhiều người muốn sở hữu Dash, nhưng vì số lượng Dash có giới hạn mà càng nhiều người muốn sở hữu thì giá của mỗi Dash sẽ lại tăng lên, điều này tạo thêm động lực cho các lập trình viên tiếp tục cải tiến và bổ sung tính năng hữu ích, nó cũng giúp những người đầu tư hạ tầng có thêm kinh phí để đầu tư thêm máy móc để các ứng dụng do lập trình viên tạo ra chạy trơn tru hơn, và những người làm marketing lại có thêm động lực để quảng bá về Dash mạnh mẽ hơn vì mức lương của họ trả bằng Dash được tăng thêm khi đồng Dash tăng thêm giá trị... và cứ thế hệ sinh thái này vẫn được đầu tư thêm lên mỗi ngày.
Thử tưởng tượng xem với mô hình kinh doanh đột phá này nếu Dash trở nên lớn mạnh với mạng lưới thanh toán toàn cầu thì công ty này sẽ lớn như thế nào? Liêu nó có bằng Google hay Facebook của ngày hôm nay không? Thử tưởng tượng nếu bạn sở hữu một ghế trong hội đồng quản trị của Google hay Facebook với giá bằng 1000 Dash ngày hôm nay thì giá đó là đắt hay rẻ?
Dash chưa hoàn hảo, nó cũng có những nhược điểm của nó nên đòi hỏi những ai quan tâm đến nó cần dành nhiều thời gian nghiên cứu về mọi khía cạnh của nó hơn là chỉ theo dõi giá cả biến động trên các sàn giao dịch. Có thể Dash thành công và trở nên một công ty ảo toàn cầu lớn nhất và là hình mẫu về mô hình kinh doanh cho các công ty khác học theo, nhưng cũng có thể Dash thất bại và số Dash bạn nắm trong tay chẳng còn chút giá trị nào cả, nhưng chúng ta không ai có thể biết trước được tương lai. Thời gian sẽ cho chúng ta biết điều đó.
No comments:
Post a Comment