Chúng ta biết rằng tiền kỹ thuật số là một định dạng tiền tệ có độ riêng tư cao và khá an toàn. Tuy nhiên, máy tính của chúng ta, mạng lưới Internet chúng ta dùng hàng ngày và thói quen của chúng ta lại không mấy an toàn, nhất là với loại tiền mà có thể gửi nhanh như chớp qua mạng và không thể nào đòi lại được. Bài viết này sẽ giúp chúng ta nhận dạng ra những rủi ro đối với loại tiền bạc này của chúng ta để chúng ta có thể có cách bảo vệ tài sản của mình.
1. Rủi ro đánh mất
Đây là loại rủi ro khá phổ biến đối với những người dùng tiền kỹ thuật số. Vì tiền kỹ thuật số là riêng tư, nó không có một tổ chức nào được tin cậy để đứng ra bảo đảm như các ngân hàng nên nếu chúng ta gặp rủi ro như máy hỏng, ổ cứng hỏng... mà không có sao lưu dự phòng thì khi mất không ai có thể giúp chúng ta lấy lại được. Chúng ta có thể nhìn thấy tiền của mình số lượng thế nào nhưng không có chìa khoá để chi tiêu nó thì cũng chỉ bó tay.
Để khắc phục rủi ro này chúng ta không nên chỉ lưu trên một phương tiện mà nên lưu ví coin của mình trên ít nhất một phương tiện dự phòng khác để nếu hỏng máy tính hay hỏng ổ cứng chẳng hạn thì chúng ta còn dự phòng trên USB hay in ra trên giấy.
2. Rủi ro do nhầm lẫn
Hiện tại khi Dash chưa ra phiên bản Evolution thì tất cả các loại coin đều dùng ví có địa chỉ là một dãy ký tự loằng ngoằng cả chữ lẫn số, mà nếu gửi cho ai mà chúng ta gửi nhầm địa chỉ thì số tiền đó đi vĩnh viễn và không thể nào quay trở lại được nếu địa chỉ đó là hợp lệ. Nhưng may mắn thay là địa chỉ của các loại tiền điện tử đều có tính năng mã kiểm tra nên nếu sai một ký tự đi có thể làm địa chỉ đó không phải địa chỉ hợp lệ nữa nên giảm khả năng gửi nhầm địa chỉ đi.
Nhưng một khả năng khác là gửi cho người này nhưng sang địa chỉ của người khác do tính năng copy. Tuy nhiên trường hợp này cũng ít khi xảy ra.
Nói chung trường hợp nhầm lẫn này dễ khắc phục đó chính là kiểm tra kỹ địa chỉ cần gửi để tránh gửi nhầm, vì đã gửi nhầm thì chỉ có người quen may ra mới lấy lại được.
3. Rủi ro do không đặt mật khẩu ví
Ví chứa tiền điện tử là một phần mềm và một file dữ liệu chứa thông tin về danh sách các địa chỉ và khoá để bạn chi tiêu tiền từ các địa chỉ đó. Nếu bạn không đặt mật khẩu cho ví của mình thì bất kỳ ai đó truy cập được máy tính hay điện thoại của bạn đều có thể gửi tiền trong ví của bạn sang địa chỉ của họ.
Để khắc phục thì có hai cách đó là không cho ai dùng máy tính riêng chứa ví tiền của bạn và cần phải mã hoá ví của bạn với tính năng mã hoá ví có sẵn trong phần mềm ví.
Dù bạn có không cho người khác dùng máy tính của mình, nhưng nếu không mã hoá ví cũng khó mà an toàn vì nếu máy nhiễm mã độc thì rất có thể hacker sẽ tiện tay rút tiền trong ví của bạn mà không phải khó khăn gì.
4. Rủi ro do quên mật khẩu
Mã hoá ví với mật khẩu an toàn rồi nhưng chúng ta vẫn còn có thể có một rủi ro nữa đó là quên mất mật khẩu. Nếu mật khẩu càng dài càng phức tạp mà quên mất nó thì nguy cơ bạn không thể khôi phục ví được là càng cao. Dù bạn đặt mật khẩu đơn giản thì quên mật khẩu và cứu lại được cũng hết sức khó khăn.
Do đó, hãy đặt mật khẩu an toàn cho ví nhưng nhớ phải lưu mật khẩu ở nơi nào đó và học thuộc nó để không bị quên mất, vì quên mất thì dù biết tiền của mình ở đâu bạn cũng có rất ít cơ hội để được chi tiêu nó.
5. Rủi ro máy tính bị xâm nhập
Nếu bạn có nhiều tiền kỹ thuật số và bạn hay để lộ thông tin đó trên mạng thì rất có thể máy tính của bạn trở thành đối tượng cho hacker, và một khi hacker chủ ý lấy tiền trên máy của bạn và anh ta thâm nhập được vào máy có chứa ví tiền thì khả năng bạn mất tiền là rất cao.
Đừng quá tự tin về hệ điều hành này là an toàn hơn hệ điều hành kia vì với các hacker chuyên nghiệp thì điều đó có thể với họ không thành vấn đề lắm. Cho nên bạn hãy giữ máy của mình được an toàn. Nếu bạn có nhiều Dash và ví của bạn có Masternode thì tốt nhất bạn nên dành riêng một máy tính chỉ cho vận hành ví và không sử dụng nó cho việc lướt web, chat, hay gửi nhận email...
6. Rủi ro do bị lừa
Bị lừa cũng là trường hợp có mức độ rủi ro rất cao. Mới đây một thành viên của cộng đồng Dash Vietnam đã bị lừa mất 160 Dash qua mạng. Thường họ sẽ mạo danh ai đó để yêu cầu bạn chuyển tiền đến một địa chỉ của họ, họ có thể dùng nhiều người chat với bạn để làm bạn mất tập trung và kích thích bạn chuyển tiền ngay cho họ.
Bạn cần hết sức thận trọng với chương trình chat của Facebook, vì nó thường chỉ hiện ảnh avatar nên kẻ lừa đảo chỉ cần lấy avatar của người quen của bạn chat với bạn và bạn nhìn thấy quen. Hơn nữa trên Facebook lại cho người ta chọn tên trùng nhau nữa nên khả năng bị lừa là khá cao.
Đó còn chưa kể đến chuyện kẻ xấu hack được nick của người quen của bạn.
Để tránh bị lừa thì bạn nên cực kỳ thận trọng cho những giao dịch qua mạng và nên kiểm tra lại bằng nhiều cách như nếu người quen gửi chat hoặc email thì bạn nên gọi điện để hỏi lại và hỏi những câu hỏi mà bạn biết chỉ người quen của bạn mới có thể trả lời được...
7. Rủi ro liên quan đến sàn giao dịch
Sập sàn giao dịch cũng là một trường hợp rủi ro khá phổ biến, vì thường các sàn giao dịch có chứa một lượng lớn số tiền của rất nhiều người dùng nên nếu chiếm được ví của sàn giao dịch thì anh ta sẽ chiếm được toàn bộ số tiền của những ai tham gia sàn giao dịch mà chưa rút hết tiền về.
Ngoài do bị hacker đánh cắp mất ví của sàn bạn cũng nên đề phòng trường hợp chính nhân viên hay chủ sàn vì tham lam số tiền quá lớn cũng có thể tạo nên vụ tai nạn giả để cướp tiền của bạn.
Để tránh nguy cơ bị liên quan đến sàn giao dịch coin thì bạn không nên để tiền của mình trên ví của sàn mà nên rút về ví cá nhân của mình ngay lập tức khi đã có thể và chỉ chuyển vào đó khi cần giao dịch.
Nếu bạn muốn thử nghiệm nhiều loại coin khác nhau, bạn nên tham khảo bài viết sau: Làm thế nào thử nghiệm nhiều loại coin một cách an toàn? Có thể còn những nguy cơ và rủi ro khác, rất mong các bạn cùng chia sẻ để chúng ta có thể tránh những rủi ro đáng tiếc liên quan đến các loại tiền điện tử.
THAM KHẢO THÊM
THAM KHẢO THÊM
No comments:
Post a Comment