Email của nhóm phát triển IOTA bị tiết lộ và sự thật đằng sau - DashVN

Latest

Tự do, công nghệ & đầu tư

Tuesday, March 6, 2018

Email của nhóm phát triển IOTA bị tiết lộ và sự thật đằng sau

Trong thế giới cryptocurrency hiện nay có tới hàng nghìn đồng tiền mã hóa, và để đánh giá được giá trị thực sự của chúng, các nhà nghiên cứu và các nhà đầu tư thường dựa trên công nghệ của các loại tiền mã hóa này.
IOTA là một trong những đồng tiền mã hóa được đánh giá cao, khi đưa ra công nghệ giúp hỗ trợ cho các nền tảng Internet of Things, giúp các công ty có thể lưu trữ dữ liệu và buôn bán dữ liệu thu thập được. IOTA cũng đã từng gây ra một cơn sốt khi tuyên bố hợp tác với Microsoft, mặc dù sau đó thông tin này bị Microsoft bác bỏ.
Mới đây, một số nhà nghiên cứu cryptocurrency đã đưa ra những cảnh báo liên quan đến đồng tiền mã hóa IOTA. Ví dụ như chuyên gia bảo mật Nicholas Weaver đến từ Đại học Berkeley đã cho rằng đội ngũ phát triển của IOTA là những kẻ “ngu ngốc”, trong khi đó nhà nghiên cứu Matthew Green đến từ Đại học Johns Hopkins khuyên mọi người nên tránh xa dự án IOTA.
Hiện tại, IOTA vẫn đang nằm trong Top 10 những đồng tiền mã hóa có giá trị nhất thế giới theo Coinmarketcap. Giá trị thị trường của IOTA đang là 5,3 tỷ USD, với khối lượng giao dịch 24h lên đến 196 triệu USD. Có rất nhiều nhà đầu tư tin rằng IOTA sẽ là cuộc cách mạng đối với IoT và cả cryptocurrency.
Thế nhưng đồng tiền mã hóa này đang gặp phải những vấn đề rất nghiêm trọng, từ bên trong nền tảng và đội ngũ phát triển của nó.
IOTA - Thiên thần hay ác quỷ?
Bắt đầu từ năm 2014, IOTA ra đời như một cách mạng của tiền mã hóa. Đội ngũ phát triển của IOTA không sử dụng nền tảng blockchain truyền thống như Bitcoin hay Ethereum, mà thay vào đó là một nền tảng hoàn toàn mới có tên “Tangle”.
Tangle là một mạng rắc rối có thể thực hiện giao dịch gần như ngay lập tức với chi phí bằng 0, thay vì phải chờ đợi các block được đóng và xác nhận như blockchain của Bitcoin. Chính vì vậy mà IOTA được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thế giới cryptocurrency.
Tuy nhiên vào tháng 7 năm ngoái, nhà nghiên cứu Ethan Heilman tại Đại học Boston hợp tác cùng Nhóm Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số (DAC) của MIT, cho biết họ đã phát hiện ra những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong mạng lưới Tangle của IOTA. Ethan Heilman cũng đã gửi một email thông báo cho nhóm phát triển của IOTA.
Sau khi thông tin này được công bố, nhóm phát triển IOTA phủ nhận sự tồn tại của lỗ hổng bảo mật. Tháng 9 năm 2017, Ethan Heilman và nhóm DAC của MIT đã công bố các tài liệu nghiên cứu của mình.
Điều khó hiểu là vào tháng 8, nhóm phát triển của IOTA đã thay đổi thuật toán Curl sang một thuật toán mới là Keccak. Vì sao lại có sự thay đổi này, khi mà nhóm phát triển phủ nhận sự tồn tại của các lỗ hổng bảo mật? Liệu rằng nhóm phát triển của IOTA đang che giấu điều gì đó?
Sự thật đằng sau dự án IOTA và đội ngũ phát triển
Hôm chủ nhật vừa qua, các email trao đổi giữa nhà nghiên cứu Heilman và nhóm DAC với đội ngũ phát triển của IOTA đã bị tiết lộ. Các email này đã tiết lộ khá nhiều sự thật phía sau dự án IOTA và đội ngũ phát triển của nó.
Nghiên cứu của Ethan Heilman và nhóm DAC của MIT đã phát hiện ra lỗ hổng trong thuật toán Curl của IOTA. Lỗ hổng này cho phép bất kỳ ai cũng có thể làm giả các giao dịch trên mạng lưới Tangle của IOTA.
Đội ngũ phát triển của IOTA lại cho rằng đây là một sự hiểu lầm. Đồng sáng lập Sergey Ivancheglo cho biết các cuộc tấn công thực tế mà nhóm các nhà nghiên cứu này thực hiện, chỉ có tác dụng trong một số trường hợp cụ thể mà rất khó xảy ra trong thực tế.
Sự việc bắt đầu trở nên căng thẳng hơn khi đồng sáng lập IOTA, David Sønstebø buộc tội nhà nghiên cứu Ethan Heilman vì “làm mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn vì lợi ích bản thân”, và hành động công bố cho báo chí trước khi các vấn đề được làm rõ.
Đồng sáng lập khác của IOTA là Sergey Ivancheglo thậm chí còn đe dọa Heilman, khi cho biết rằng nhóm nghiên cứu này nên biết sợ vì họ đã mời luật sư để làm việc. Phát ngôn của vị đồng sáng lập này khiến các nhà phát triển cryptocurrency khác vô cùng nổi giận, đồng sáng lập Ethereum là Charles Hoskinson đứng về phía Heilman và tình nguyện trả các chi phí pháp lý nếu đội nghiên cứu của ông bị kiện.

Đội ngũ phát triển IOTA cho rằng phát hiện lỗ hổng bảo mật của Heilman là trò lừa đảo, nhưng lại từ chối giải thích.
Cuộc tranh cãi giữa đội ngũ phát triển IOTA với nhóm nghiên cứu của Heilman đã làm lộ rõ một số vấn đề phía sau dự án cryptocurrency này:
Thứ nhất, công nghệ của IOTA vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa được hoàn thiện, do đó nó không phải là một đồng tiền mã hóa đã được đưa vào sử dụng. Việc thay đổi thuật toán hồi tháng 8 là một phần của giai đoạn phát triển với các thử nghiệm, để hoàn thiện hơn nền tảng Tangle.
Thứ hai, dự án IOTA thiếu rất nhiều các tài liệu kỹ thuật được công khai minh bạch. Các mã nguồn, mô tả kỹ thuật của nền tảng Tangle đều được giấu kín. Nhóm phát triển IOTA cũng thừa nhận: “Chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc thiếu các tài liệu kỹ thuật ở thời điểm hiện tại”.
Cuối cùng, các công nghệ thử nghiệm thường không phải sự lựa chọn tốt nhất để áp dụng thực tế cho những tác vụ quan trọng. Đó là lý do chưa có công ty nào cam kết sử dụng nền tảng IOTA, mà mới chỉ là các giai đoạn hợp tác thử nghiệm.
Vì vậy IOTA vẫn đang đặt một dấu hỏi lớn cho các nhà nghiên cứu và các nhà đầu tư.
Tham khảo: motherboard
Nguồn: Genk

No comments:

Post a Comment