Gần đây Monero được thổi phồng một cách nhanh chóng nên có tổng thị giá (market cap) tăng vọt lên đến 130 triệu đô la Mỹ chỉ vì có tin thị trường ngầm AlphaBay chấp nhận Monero làm công cụ thanh toán. Nhiều người ủng hộ Monero nghĩ rằng Dash đã thua cuộc trong cuộc đua trở thành loại tiền kỹ thuật số với khả năng bảo mật cao. Nhưng đó có lẽ chỉ là cách nhìn ngắn hạn chứ không phải thực chất của vấn đề.
Về bản chất mọi người có xu hướng ưa thích sự riêng tư nhất là vấn đề tiền bạc nên cả Dash và Monero đều được cộng đồng Cryptocurrency ưa thích và ủng hộ. Dash được phát minh bởi Evan Duffield, một lập trình viên giầu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và xử lý dữ liệu với mục tiêu ban đầu là đảm bảo tính riêng tư. Thời gian ban đầu Dash có tên là XCoin, nhưng do dễ nhầm lẫn nên chỉ được vài ngày đã đổi sang Darkcoin. Vì Darkcoin đi đầu trong xu hướng bảo vệ sự riêng tư của người dùng bằng việc áp dụng thuật toán Coinjoin có cải tiến nên được thế giới ngầm tỏ vẻ ủng hộ.
Nhưng với tầm nhìn về một loại tiền kỹ thuật số nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư khi cần thiết nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch cho các giao dịch thương mại bình thường giống như Bitcoin nên Darkcoin đã được đổi tên thành Dash (tức Digital Cash - tiền mặt kỹ thuật số).
Không giống như Monero mã hoá mọi thông tin giao dịch và người dùng bình thường không thể nhìn được các giao dịch của hệ thống này thì Dash lại khác, đó chỉ là tìm cách xáo trộn các mệnh giá khác nhau một cách ngẫu nhiên thông qua một hệ thống các máy phi tập trung gọi là masternode. Monero che giấu giao dịch bằng cách mã hoá toàn bộ blockchain bằng thuật toán mã hoá nên nếu thuật toán đó mà có lỗi hoặc được phá được bằng các máy tính lượng tử thì mọi giao dịch từ trước đến nay của Monero bị trần truồng trước ánh sáng. Còn Dash xáo trộn không trên blockchain nên không thể tìm được các giao dịch trong qua khứ đã được xáo trộn như thế nào. Còn những giao dịch nào không muốn ẩn danh thì cũng giống như Bitcoin nên các giao dịch khác của Dash hoàn toàn minh bạch và có thể áp dụng trong các hệ thống kế toán.
Nhưng đó chưa phải là những điều hấp dẫn của Dash. Bằng việc sử dụng các masternode để xáo trộn giao dịch nên Evan Duffield phát hiện ra một khả năng đặc biệt giúp cho Dash trở nên an toàn và tin cậy hơn rất nhiều.
Chúng ta biết rằng với các loại tiền kỹ thuật số (Cryptocurrency) thì các giao dịch của nó được lưu trên một cơ sở dữ liệu gọi là blockchain hay là một chuỗi móc xích của các giao dịch từ ngày đầu đến ngày cuối. Cơ sở dữ liệu này gọi là sổ cái (Ledger) chứa thông tin về mọi giao dịch của loại tiền kỹ thuật số này. Với một hệ thống tập trung như ngân hàng thì cơ sở dữ liệu giao dịch của ngân hàng được bảo vệ an toàn trên máy chủ của ngân hàng với sự bảo vệ của các chuyên gia kỹ thuật cũng như những tư vấn an ninh được ngân hàng thuê nhằm bảo vệ dữ liệu của họ. Trái lại các hệ thống tiền kỹ thuật số lại được sử dụng một công nghệ gọi là công nghệ phi tập trung (decentralized) hay mạng ngang hàng (peer to peer hoặc viết tắt là p2p). Điều này có nghĩa là cơ sở dữ liệu sổ cái chứa tất cả các giao dịch được nhân bản trên rất nhiều máy tính tham gia mạng lưới này. Thời kỳ ban đầu của các loại tiền kỹ thuật số do số giao dịch chưa nhiều thì cơ sở dữ liệu này còn có kích thước nhỏ. Nhưng càng trở nên phổ biến thì cơ sở dữ liệu này càng phình to hơn, và cho đến nay thì blockchain của Bitcoin là khoảng gần 100 GB, và của Ethereum thì blockchain khoảng gần 30 GB. Đây là những kích thước tương đối lớn khi lưu trên các máy trạm như laptop. Ngoài ra băng thông để đồng bộ các blockchain này thì lại làm tốn kém cho người sử dụng nhiều hơn nữa nên làm cho nó trở thành một trở ngại với người dùng thông thường. Tuy vậy, các nhà phát triển của Bitcoin cũng đã tìm ra các cách khác nhau để người dùng bình thường không phải chịu những khó chịu trên một trong các kỹ thuật đó được sử dụng rất thông dụng đó là SPV (Simple Payment Verification). Có rất nhiều loại cryptocurrency khác cũng sử dụng kỹ thuật này (kể cả Dash) cho các ví nhẹ có thể chạy được trên các thiết bị di động và máy tính để bàn. Nhưng để dùng được tính năng này thì vẫn phải cần có các máy có đầy đủ sổ cái (fullnode). Như vậy người dùng thông thường không lưu trữ toàn bộ blockchain nên số lượng các bản copy đầy đủ về sổ cái giao dịch bị giảm dần. Càng ngày khi dung lượng sổ cái tăng lên thì những dù vẫn có nhiều đam mê thì chi phí chạy một full node (một máy có sổ cái giao dịch đầy đủ) càng trở nên tốn kém hơn nhất là về mặt băng thông mạng vì các giao dịch đồng bộ liên tục diễn ra nên khiến cho càng ít người chạy fullnode.
Nếu một loại tiền kỹ thuật số nào có số lượng fullnode quá thấp thì nó có nguy cơ không an toàn.
Evan Duffield là người đầu tiên phát hiện và giải quyết được vấn đề khó khăn đó bằng cách tạo động lực cho những người cung cấp hạ tầng chuyên nghiệp để chạy các máy có chứa sổ cái đầy đủ (fullnode) và dùng luôn những máy đó cho việc xáo trộn giao dịch và gọi những máy đó là masternode. Masternode là các máy chủ có địa chỉ IP tĩnh và kết nối internet tốc độ cao để đảm bảo việc đồng bộ sổ cái diễn ra nhanh chóng, còn những người cung cấp máy móc trả chi phí cho masternode hoạt động này được nhận được một phần số Dash sinh ra trong quá trình đào. Cụ thể là có 45% số Dash được sinh ra được trả cho người đào, 45% được trả cho các chủ Masternode và 10% còn lại là để cấp kinh phí cho các dự án (lát nữa chúng ta sẽ cùng xem xét về nó). Để có thể cài đặt được Masternode cũng cần có điều kiện chứ không phải ai muốn là được. Điều này giúp đảm bảo hạ tầng kỹ thuật được duy trì tốt trong tương lai khi Dash phát triển và có nhiều giao dịch và quyền lợi của chủ Masternode được gắn chặt với sự phát triển của mạng lưới. Cụ thể là để chạy được một Masternode thì chủ masternode phải đặt cọc một số tiền tương ứng với 1000 Dash.
Vì được nhận thêm Dash do việc chạy masternode và động lực giúp giữ vững giá trị 1000 Dash ban đầu và làm tăng giá trị cho nó nên các chủ masternode có thêm động lực quảng bá cho Dash. Và với càng nhiều masternode được chạy thì có càng nhiều Dash bị găm lại không cho ra lưu thông trên thị trường nên giá của Dash tương đối ổn định. Hình thức này có vẻ giống như trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính.
Trong quá trình sáng tạo nên Masternode, Evan Duffield lại tiếp tục phát hiện ra rằng các masternode kết nối với tốc độ rất cao nên nó có thể cùng nhau bỏ phiếu (lấy ngẫu nhiên một số masternode nhất định) để khoá các giao dịch trong vòng một vài giây để chống tình trạng gọi là tiêu lặp (hay còn gọi là double spending một vấn đề của tất cả các loại tiền kỹ thuật số). Sau đó các miner tiếp tục làm công việc xác thực giống như với Bitcoin để đảm bảo giao dịch chống double spending an toàn hơn nữa. Như vậy bằng công nghệ PrivateSend (xáo trộn) và InstantSend (trước đây gọi là InstantX) thì Dash thực sự riêng tư và nhanh không kém các hệ thống tập trung như Paypal hay thẻ tín dụng. Như vậy Dash vừa nhanh, vừa riêng tư, vừa không cần trung gian nên Dash có đặc tính như tiền mặt.
Nhưng Dash cũng có vấn đề của mình cũng giống như tất cả các loại tiền kỹ thuật số (một số người còn gọi là tiền ảo) khác như Bitcoin, Ethereum,... đó là làm sao để có nhiều người chấp nhận và đặc biệt là phải tiếp tục cải tiến, tiếp thị để cho nhiều người biết và chấp nhận nó và dùng nó thay cho tiền mặt hoặc các loại giao dịch điện tử khác?
Dash đã giải quyết vấn đề này bằng cách tạo động lực cho những nhân tố quyết định.
Trước hết ta xem xét các loại tiền kỹ thuật số (tiền ảo) thì khi một người giữ một số lượng lớn loại tiền nào đó cũng có động lực muốn làm cho nó tăng giá. Nhưng muốn làm nó tăng giá thì cả mạng lưới phải được liên tục bơm thêm giá trị vào. Có thể bơm thêm giá trị bằng các dùng tiền thông thường (fiat money) để mua làm giá nó tăng lên (do số lượng hữu hạn) nhưng cách này gây nên hiện tượng bong bóng đầu cơ. Có thể bơm giá trị cho nó bằng cách cho nhiều người chấp nhận nó để đổi hàng hoá dịch vụ. Có thể bơm thêm giá trị cho nó bằng cách cho nó có nhiều tiện ích để dễ sử dụng, dễ chuyển đổi sang tiền thông thường hoặc các loại tiền kỹ thuật số khác. Có thể quảng bá để cho có nhiều người biết đến nó, thử nó, dùng nó để tạo ra các nhu cầu làm giá cả nó tăng lên...
Các loại tiền ảo khác thì phân phối thông qua việc đào (phân chia từ từ) hoặc phân chia ngay từ đầu. Ai có nhiều sẽ có động lực làm cho nó có giá trị tăng lên. Nhưng vì có nhiều loại tiền ảo quá và xu hướng chung là giảm giá dần vì nhiều người có xu hướng lướt sóng bán đi lấy tiền mua cái khác lúc còn rẻ để khi lên cao thì bán nên ai có nhiều thường sẽ bán đi khi giá nó lên cao khiến cho nó giảm giá. Khi giá nó giảm thì lại làm cho người thiếu kiên nhẫn muốn bán tiếp và lại làm nó tiếp tục giảm và cứ thế. Tuy vậy cũng có nhiều người tâm huyết tìm cách giữ và làm tăng giá nó. Nhưng chỉ những loại tiền nào đi đầu hoặc có một điểm gì đó đặc biệt mới có thể giữ được nhiệt huyết của mọi người một cách lâu dài. Cho đến hiện nay mới chỉ có Bitcoin là giữ được giá trị tương đối ổn định và lớn. Ethereum cũng bắt đầu có dấu hiệu thoái trào dù có những tính năng kỹ thuật cực kỳ hấp dẫn. Chính vì các loại tiền ảo khác không có masternode nên việc phân bổ của nó khá rộng, Bitcoin có hàng trăm ngàn địa chỉ ví, nhưng không có nhiều người sở hữu đến hàng ngàn Bitcoin nên động lực để người có ít làm để giữ giá trị cho tiền ảo của mình không nhiều bằng động lực của người có nhiều.
Evan và những nhà chiến lược của Dash cũng hiểu được bản chất của những vấn đề trên. Họ rất hiểu bản chất của thuyết Pareto (80/20) đó là 20% người dùng lại có ảnh hưởng quan trọng đến 80% còn lại và mở rộng thị trường nên họ tập trung vào 20% người dùng có động lực nhất. Với những người đào thì họ thường ít trung thành và có xu thế đào khi có giá và bán đi để trả cho chi phí nên họ ít có động lực gắn bó với một loại tiền ảo nhất định. Với chủ masternode thì khác. Họ giữ một số coin là khá lớn nên động lực làm tăng giá của họ cao hơn người có ít và các thợ đào mỏ. Hơn nữa nếu giúp họ có thêm một cách đều đặn thì họ sẽ không muốn bán ra hết mà tìm cách làm tăng giá nó lên. Vì họ đã có một nguồn thu nhâp đều đặn do được chia 45% với các miner thì các chủ masternode có thể bán số sinh ra để trả chi phí duy trì máy móc hoặc chi tiêu cá nhân và họ vẫn giữ được 1000 Dash và như vậy họ vẫn giữ được động lực phải làm tăng giá số Dash lớn của họ.
Cũng có một số chủ masternode không kiên nhẫn và không muốn phải làm việc để làm tăng giá trị cho phần nắm giữ của họ thì khi giá cao họ có thể bán đi, và những ai nhận thấy được tương lai thì có thể mua gom để có masternode. Như vậy thì khi giá Dash cao quá sẽ có người có độ cam kết thấp sẽ bán bớt và người có độ cam kết cao lại mua để lập masternode mới... Đến hiện nay thì số Dash được sinh thêm cho chủ masternode khoảng gần 10% mỗi năm. Tức là nếu giá Dash không đổi thì chủ masternode có khoản lãi là khoảng 10% mỗi năm. Giá của Dash không tăng vọt nhưng tăng dần một cách tương đối ổn định.
Lại nói về 10% của số Dash được sinh ra theo mỗi block thì như chúng ta đã biết 45% dành cho thợ mỏ, 45% dành cho chủ masternode, và chỉ còn lại 10%. Dash dùng 10% này như thế nào để có lợi về mặt dài hạn cho toàn hệ thống?
45% đầu tiên dành cho các thợ mỏ để xác thực giao dịch, điều này đảm bảo cho các giao dịch được an toàn không bị tiêu lặp. 45% tiếp theo để đảm bảo hạ tầng và khoá nhanh giao dịch giúp không cho người ta tiêu lặp và xáo trộn cho những giao dịch cần đảm bảo tính riêng tư. Như vậy 90% đầu dành cho các mục tiêu an ninh và an toàn cho nền tảng.
Như chúng ta đã biết với Ethereum thì tiền ảo không chỉ là tiền ảo mà còn là một mạng lưới và hạ tầng cho các ứng dụng, thì Dash cũng nhìn nhận như vậy nhưng cách tiếp cận có khác một chút thôi. Như chúng ta đã biết ở trên khi blockchain trở nên to lớn thì động lực để đảm bảo an ninh mạng và hạ tầng cho ứng dụng sẽ kém đi vì càng có ít người chạy fullnode. Với điều kiện hạ tầng ngày càng suy yếu thì làm sao có thể đảm bảo nền tảng tốt cho các ứng dụng có thể chạy được trên đó? Với các hệ thống tập trung như của Google, Facebook, Amazon thì các công ty sẽ thu được lợi nhuận để đầu tư cho hạ tầng, còn các hệ thống phi tập trung như Bitcoin hay Ethereum thì lại không có để ý đến hạ tầng mà Ethereum đã nghĩ đến việc khai thác mạng lưới như một nền tảng cho ứng dụng thì làm sao có đủ độ tin cậy để chạy cho diện rộng được? Dash nghĩ khác, họ đã chuẩn bị tốt cho hạ tầng và nền tảng cho ứng dụng với 45% thứ 2, còn 10% còn lại sẽ dành cho việc trả công cho các lập trình viên, những người làm truyền thông, marketing, tổ chức sự kiện, thuê tư vấn luật... và với điều này Dash mạnh chẳng kém các công ty tập trung. Nhưng nhóm phát triển của Dash thì không cần phải nhận tiền từ các quỹ đầu tư mà chính sự góp tiền thêm của người dùng đã tạo nên ngân sách cho nhóm tiếp tục có tiền đầu tư cho phát triển hệ thống. Nếu giá mỗi Dash khoảng 13 USD thì mỗi tháng nhóm phát triển của Dash có ngân sách lên đến gần 100 ngàn USD tương đương khoảng hơn 1 triệu đô la một năm. Với kinh phí này Dash thậm chí còn hơn cả Bitcoin trong việc chi trả cho các lập trình viên, tester, project managers... với một cách chuyên nghiệp chứ không cần trông chờ vào nguồn tiền tài trợ vốn nhỏ giọt và rất bấp bênh. Nhưng nếu giá 1 Dash khoảng 130 USD thì ngân sách của Dash sẽ khoảng 1 triệu đô la mỗi tháng dành cho phát triển. Chính điều này sẽ thu hút nhân tài về làm việc cho Dash và lại làm giá Dash tăng cao. Vì nguồn cung của Dash vốn đã ít, nay lại bị giữ lại dành cho lập masternode, bởi vậy những người đầu tư vào Dash phần lớn sẽ suy nghĩ một cách dài hạn chứ không phải như các đợt sóng lên sóng xuống nữa.
Tác giả với Philipp Engelhorn một thành viên của Dash Core Team. Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 28/8/2016 |
Hi anh,
ReplyDeleteBài viết của anh rất chi tiết và phân tích nhiều khía cạnh của Dash. Chúc a có thêm nhiều bài viết như vậy.
Em mới tham gia đầu tư tiền ảo, cho em hỏi là bây giờ đầu tư dash còn ngon anh
Cám ơn bạn,
ReplyDeleteMình chỉ phân tích và cung cấp thông tin thôi còn đánh giá thì mình cũng không dám chắc vì thị trường lên xuống rất khó đoán, không chỉ vì sự cạnh tranh giữa các coin mà còn cả những thay đổi về công nghệ và thị trường nữa.