DAPI có giá trị quan trọng như thế nào trong phiên bản Evolution sắp tới của Dash? - DashVN

Latest

Tự do, công nghệ & đầu tư

Wednesday, October 18, 2017

DAPI có giá trị quan trọng như thế nào trong phiên bản Evolution sắp tới của Dash?

Phiên bản Evolution của Dash được giới thiệu từ rất lâu rồi mà đến nay vẫn chưa thấy có tăm hơi gì đã khiến không ít fan hâm mộ của Dash mất kiên nhẫn và thất vọng. Có để làm cho Dash trở nên dễ sử dụng lại khó đến thế sao? Tôi sẽ lần lượt chia sẻ những nhận định của mình về nền tảng Evolution của Dash, và bài viết này đề cập đến một thành phần rất quan trọng nhưng lại được ít người để tâm đến nó, đó là DAPI, một giao diện lập trình ứng dụng (API) của Dash theo cách rất đặc biệt mà chưa một loại tiền kỹ thuật số nào đề cập đến.
Trước khi nói về DAPI (Decentralized API) của Dash tôi xin chia sẻ một chút về tình hình ứng dụng hiện nay của các loại tiền kỹ thuật số sử dụng trong giao dịch thanh toán. Dash không chỉ là một giải pháp giúp giao dịch giữa các ngân hàng mà muốn nó trở thành một loại tiền mặt điện tử, giống như tầm nhìn của người sáng lập ra Bitcoin mà Bitcoin bấy lâu nay chưa làm được.

Bitcoin ra đời đã khá lâu rồi, nó được rất nhiều phương tiện truyền thông nhắc đến qua những khái niệm đột phá đến đáng kinh ngạc của nó và cả sự lên xuống giá thất thường của nó. Bitcoin đã được không ít người kỳ vọng là sẽ trở thành một loại tiền điện tử được sử dụng rộng rãi trong giao dịch thông thường lẫn thương mại điện tử nhưng giao dịch thực sự của nó trong thương mại lại chỉ là một con số rất nhỏ. Bitcoin được dùng chủ yếu cho mục đích đầu cơ và là phương tiện trao đổi cho các loại tiền kỹ thuật số khác. 

Vây nguyên nhân nào làm cho Bitcoin vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi, và tất cả các loại tiền điện tử sau nó nữa?

Có vài nguyên nhân như sau:

1. Trở ngại về mặt kỹ thuật

Bitcoin hay các loại tiền điện tử hiện nay đều rất khó sử dụng, và trải nghiệm người dùng của nó thật là tệ. Để dùng nó người dùng phải làm quen với một loạt các khái niệm mới cùng trải nghiệm hết sức mới lạ. Bởi vậy nó chỉ thu hút được những người am hiểu kỹ thuật hoặc những người thích mới lạ hoặc muốn đầu cơ kiếm tiền từ nó.

Giao dịch Bitcoin rất chậm, để an toàn, nó cần phải được qua ít nhất 6 xác thực. Mỗi xác thực của Bitcoin mất 10 phút nên nhanh nhất để thực hiện một giao dịch cần mất khoảng một tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, do tính chất phi tập trung nên mạng lưới của Bitcoin chỉ thực hiện được khá ít giao dịch trong một khoảng thời gian. Cụ thể là Bitcoin chỉ có thể xử lý được khoảng 7 giao dịch mỗi giây. Bởi vậy nếu nó được sử dụng rộng rãi thì sẽ bị quá tải.

Các loại coin khác ra sau Bitcoin cũng có một số cải tiến, nhưng kết quả cũng không đáng kể mấy. Loại nhanh như Ethereum cũng cần ít nhất 20 giây cho mỗi xác thực và để có 6 xác thực thì cũng cần đến 2 phút, mà mạng lưới của Ethereum cũng không xử lý được nhiều giao dịch đồng thời.

Riêng Dash, với công nghệ InstantSend cho phép ngay lập tức có đến 5 xác thực trong vòng 1 hoặc 2 giây, và với 5 xác thực thì cũng khá đáng tin cậy cho các giao dịch với giá trị trung bình.

2. Trở ngại về kinh tế và thị trường

Một trở ngại quan trọng của tiền điện tử là sự chấp nhận của thị trường. Để tiền điện tử được sử dụng một cách rộng rãi thì nó cần có nhiều doanh nghiệp chấp nhận nó, nhưng để có nhiều doanh nghiệp chấp nhận nó thì nó phải được nhiều người sử dụng thì mới đáng để các doanh nghiệp đầu tư tích hợp giải pháp thanh toán mới mẻ này vào các phần mềm của họ. Đây là vòng lặp luẩn quẩn của những khó khăn khiến cho Bitcoin ra đời lâu mà vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp chấp nhận.

Một vấn đề quan trọng là tỷ giá của tiền điện tử so với tiền thông thường (fiat currency) là có sự chênh lệch khá nhiều và không ổn định. Do đó, các doanh nghiệp chấp nhận tiền điện tử muốn giảm rủi ro bằng cách quy đổi tiền điện tử ra tiền thông thường. 

Một vấn đề nữa là do khả năng xử lý chậm, rủi ro nếu chấp nhận giao dịch chưa đủ xác thực là cao nên các công ty đứng ra làm giải pháp chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử sẽ đòi hỏi một mức phí khá cao, mà như vậy tiền kỹ thuật số chẳng có gì hấp dẫn hơn so với các giải pháp tiền thông thường. Chính điều này cản trở các doanh nghiệp chấp nhận tiền điện tử.

Bởi những đặc điểm khó khăn đó mà hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh không thể thay đổi hệ thống phần mềm của mình và tích hợp các giải pháp tiền điện tử một cách trực tiếp. Thay vào đó họ thường phải dùng giải pháp thanh toán của các công ty chuyên cung cấp dịch vụ này. Nhưng do chưa có nhiều khác hàng, lại nhiều rủi ro về cả kỹ thuật lẫn biến động tỷ giá cho nên những công ty cung cấp giải pháp thanh toán sẽ tính một mức phí rất cao lên doanh nghiệp chấp nhận tiền điện tử. Và khi đó nó lại càng trở nên kém hấp dẫn đối với các doanh nghiệp cho nên nó không được nhiều doanh nghiệp chấp nhận, và khi không có nhiều nơi để tiêu tiền điện tử, thì người dùng cũng không thể sử dụng nó cho các giao dịch hàng ngày được.

DAPI của Dash

Quay trở lại với cái gọi là DAPI của Dash. Đây là một giao diện lập trình ứng dụng cho phép những nhà phát triển phần mềm có thể dễ dàng tích hợp các phần mềm hiện có của họ với các giải pháp thanh toán của Dash. Nó không được gọi là API (Application Programming Interface) mà lại gọi là Decentralized API tức là một giải pháp phi tập trung. Phi tập trung tức là người dùng hay doanh nghiệp có thể tuỳ ý sử dụng DAPI này mà không cần phải xin phép ai, không cần phải duy trì một hạ tầng kỹ thuật của Dash phức tạp nào cả mà có thể kết nối trực tiếp với mạng lưới của Dash.

Dash đã có thể xử lý được giao dịch một cách nhanh chóng rồi, và hoàn toàn có thể mở rộng để chấp nhận nhiều giao dịch đồng thời, phiên bản Evolution của nó cũng sẽ mang lại trải nghiệm người dùng thân thiện. Nhưng để có thể được nhiều doanh nghiệp chấp nhận, nó cần phải trở nên dễ dàng đối với các doanh nghiệp.

Với việc làm cho Dash dễ dàng tích hợp vào các phần mềm của các doanh nghiệp, Dash có thể trở nên ít khó chấp nhận hơn. Một siêu thị muốn có thể chấp nhận Dash và nhanh chóng chuyển đổi Dash sang USD để nhập hàng, một nhà hàng muốn có thể chấp nhận Dash và nhanh chóng chuyển nó sang VND để trả lương cho nhân viên chẳng hạn. Để làm được việc đó, họ phải có cách để kết nối hệ thống bán hàng của họ với các sàn giao dịch và các ngân hàng để số Dash nhận được được nhanh chóng đưa lên sàn và bán để đổi ra USD và VND rồi chuyển vào tài khoản của họ ở ngân hàng. Chỉ khi đó Dash mới dần dần được chấp nhận nhiều hơn.

Sử dụng DAPI tuy dễ dàng hơn rất nhiều so với truy cập trực tiếp dưới dạng blockchain thì nó cũng là công việc đòi hỏi phải có nhiều nhân sự kỹ thuật. Vì một siêu thị dùng một loại phần mềm bán hàng khác với một khách sạn, và khác với các nhà hàng. Thậm chí siêu thị này dùng phần mềm bán hàng khác với siêu thị kia, nhà hàng này dùng phần mềm bán hàng không giống với nhà hàng khác. Vậy làm thế nào để Dash được chấp nhận nhiều hơn bởi các doanh nghiệp như vậy? May mắn thay Dash có một cơ chế cấp vốn khá mạnh mẽ mà không một loại tiền điện tử nào có được. Với cơ chế cấp vốn này, bản thân Dash như là một hệ sinh thái của các vườn ươm công nghệ cho phép nó đầu tư cho các dự án tích hợp Dash với nhiều loại phần mềm và các doanh nghiệp khác nhau.

Bằng việc tạo ra DAPI, hệ sinh thái của Dash giảm bớt một khâu phụ thuộc vào các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thanh toán, điều này giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp chấp nhận Dash và nó làm cho các doanh nghiệp tích hợp Dash vào các phần mềm của họ nhanh chóng hơn. Các doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng tích hợp phần mềm của họ với Dash hơn khiến cho Dash có thể được chấp nhận rộng rãi hơn. 


Phát triển đối tác

Bây giờ bạn thấy Dash, tuy là một mạng lưới phi tập trung, một loại tiền điện tử, một cộng đồng lại hoạt động rất giống với một doanh nghiệp. Thực ra nó là một loại tổ chức tự quản phi tập trung (Decentralized Autonomous Organization) đầu tiên trên thế giới có thể hoạt động được. Bản thân nó như là một cỗ máy thông minh, nó cấp vốn để phát triển phần mềm và cải tiến phần mềm cho chính nó, nó cấp vốn để thu hút người dùng cho cộng đồng của nó. Và bây giờ nó cấp vốn để thiết lập các đối tác và trả tiền cho việc tích hợp phần mềm của nó với các phần mềm hiện có của các doanh nghiệp đối tác.

Công việc của những nhân sự phát triển đối tác của Dash là tiếp cận những doanh nghiệp cung cấp phần mềm cho những doanh nghiệp bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ để giúp họ tích hợp DAPI vào các phần mềm của họ. Ngoài ra, những nhân sự này sẽ phải tiếp cận với các sàn giao dịch tiền điện tử, các công ty tài chính hoặc ngân hàng để có thể giúp các công ty có thể nhanh chóng chuyển đổi Dash thành tiền thông thường hoặc các loại tiền điện tử khác và ngược lại.

Giải quyết được những khó khăn

Nhờ có DAPI làm cho việc tích hợp Dash với các phần mềm của đối tác được dễ dàng hơn, giúp Dash tích hợp nhanh chóng với các giải pháp bán hàng cũng như các sàn giao dịch để tiền bán hàng nhanh chóng có thể quy đổi ra tiền thông thường giúp doanh nghiệp nhanh chóng có tiền trả cho đối tác và làm cho công việc kinh doanh của họ thuận tiện hơn, chi phí ít hơn, nhanh hơn.

Smart contract có thể là một thứ còn xa vời thì DAPI lại là một giải pháp thiết thực hơn đối với một loại tiền điện tử muốn trở thành một phương tiện thanh toán được nhiều người chấp nhận.

Việc mang smart contract lên Dash không phải là chuyện khó vì chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật đã được không ít coin áp dụng. Nhưng để được nhiều doanh nghiệp chấp nhận nó như là một giải pháp thanh toán thì ngoài vấn đề kỹ thuật cần giải quyết, nó còn phải cả một quá trình bao gồm thuyết phục, hỗ trợ và giúp giảm chi phí cho họ nữa.

Chúng ta thật không thể biết mọi chuyện trong tương lai sẽ diễn ra như thế nào, nhưng phiên bản Evolution của Dash thực sự đáng để chúng ta theo dõi. Tôi sẽ tiếp tục chia sẻ về những khía cạnh khác của nền tảng mới mẻ này trong các bài viết tiếp theo.

No comments:

Post a Comment