Làm sao tìm hiểu được Cashflow report của một coin? - DashVN

Latest

Tự do, công nghệ & đầu tư

Saturday, September 9, 2017

Làm sao tìm hiểu được Cashflow report của một coin?

Cashflow report hay còn gọi là báo cáo lưu chuyển tiền tệ như thuật ngữ của ngành kế toán cho biết tình hình thu chi và dòng tiền vận chuyển của một công ty ra sao. Nó cũng cho biết công ty có lợi nhuận trong hoạt động hay công ty bị thiếu tiền, nó cho biết công ty có đang đầu tư tiền thu được hay đang cố vắt sữa để đầu tư sang lĩnh vực khác, nó cũng cho biết công ty có tiếp tục đầu tư để phát triển hay phải bán vốn đi để cầm cự. Đó là đối với các công ty, nhất là các công ty lên sàn giao dịch chứng khoán thì những báo cáo như thế này thường được soi xét rất kỹ. Vậy còn các coin thì sao?
Các loại tiền kỹ thuật số thường hoạt định theo mô hình cộng đồng. Có nhiều công ty đã gọi vốn từ cộng đồng bằng hình thức ICO nhưng mô hình kinh doanh của nó vẫn chưa có gì thay đổi nên sau khi gọi vốn, công ty vẫn thường phải loay hoay để tìm kiếm những nguồn thu nhập ổn định. Cho đến hiện nay, hầu như không có loại tiền điện tử nào có mô hình hoạt động phi tập trung mà lại có mô hình công ty giống như Dash. Cho dù đã có khá nhiều coin copy nguyên mã nguồn của Dash hoặc có thay đổi.

Với các công ty theo mô hình truyền thống, mặc dù họ gây quỹ từ cộng đồng như hầu như chưa có công ty nào công bố những báo cáo tài chính. Vậy làm thế nào chúng ta có thể tìm hiểu được báo cáo lưu chuyển tiền tệ của chúng?

Thật ra thì nếu coi các coin là các công ty thì hầu như các công ty đều không có nguồn thu nào ngoài tiền tài trợ của cộng đồng và số tiền tài trợ thì ngày càng teo tóp đi, cho nên nó trông không có vẻ gì giống với công ty. Mà các tổ chức hoạt động mà không vì lợi nhuận thì khó mà nó có thể muốn làm hài lòng ai cả. Nói đúng hơn thì với các công ty mà ICO thì nó có bán ra các token tương ứng với cổ phần công ty khi mà công ty phát hành thành công coin như kế hoạch đề ra ban đầu. Như vậy, những người mua token thực chất giống như cổ đông góp vốn vào các công ty đó. Còn công ty đó làm thế nào với số vốn đó làm sao để kiếm ra dòng tiền để có tiền tiếp tục đầu tư cho hoạt động công ty để làm cho giá trị của nó nâng lên thì hầu như không có. 

Tại sao lại không có mô hình kinh doanh để thu về dòng tiền để tiếp tục tái đầu tư? Ngoài Dash, không có coin nào có mô hình tương tự như vậy vì nếu là công ty mà kiếm dòng tiền về thì rất dễ nó trở nên thao túng mạng lưới của đồng tiền đó và làm cho đồng tiền đó mất đi thuộc tính quan trọng nhất đó là PHI TẬP TRUNG. Bởi vậy, hầu như tất cả đều ở dạng công ty trong giai đoạn startup, tức là tiêu tiền của nhà đầu tư mà không tạo được dòng tiền về. Tuy vậy, do sự mới mẻ của lĩnh vực tiền số cộng với cơn sốt đầu cơ nên các coin vẫn tiếp tục tăng giá và những người đầu tư cho các coin vẫn thấy số tiền của mình tăng. Nếu nó giảm thì chạy sang coin khác. 

Sau khi phát hành coin để có ngân sách phát triển rồi, những người sáng lập cũng có một lượng cổ phần kha khá. Tuy nhiên, sau đó những người tham gia sau thì không được chia cổ phần. Người sáng lập thường làm việc trực tiếp nhưng vì cạnh tranh nên lượng công việc ngày một nhiều mà không có nguồn tiền đầu tư nào khác ngoài nếu công việc của nhóm sáng lập có kết quả vượt trội thì đồng coin tăng giá. Nhưng để có kinh phí thì người sáng lập chỉ có cách bán bớt cổ phần của mình để có tiền tái đầu tư. Nhưng nếu có kết quả tốt thì anh ta lại phải tiếc vì bán đi lúc rẻ và không có tiền để mua lại khi nó đắt. Còn những người không phải bỏ thêm tiền, họ lại hưởng lợi khi coin tăng giá. Và nếu cứ như thế lâu, lượng phần trăm cổ phần của anh ta cứ giảm dần đi, và anh ta cũng mất dần động lực.

Một số loại coin mà lượng coin sinh ra từ từ thì số coin được sinh ra thêm này không được tái đầu tư cho hoạt động giúp coin phát triển mà chỉ đảm bảo an ninh mạng lưới giúp nó hoạt động thôi.

Dash không như vậy. Nó giống như một công ty, nhưng lại không giống với bất cứ công ty nào đã và đang tồn tại trước đây. 

1. Dash có mô hình kinh doanh của công ty vì lợi nhuận. Mô hình tạo lợi nhuận của Dash như sau: Khi công ty tạo ra sản phẩm hữu ích và tạo được nhu cầu khiến người mua mua Dash (đồng coin và cũng là cổ phần của công ty). Nhưng vì số coin của Dash là hữu hạn nên càng đông người có nhu cầu thì người mua càng phải trả giá cao khiến cho giá của nó gia tăng. Sự gia tăng giá tạo nên lợi nhuận cho người nắm giữ nó.

Những người sáng lập, những người trực tiếp tham gia tạo ra sản phẩm (mạng lưới thanh toán Dash và đồng tiền Dash) thu được lợi nhuận dựa vào giá trị gia tăng đó. 

Công ty ảo Dash cũng thu được lợi nhuận vì nó có được dòng tiền tương ứng với 10% số coin được phát hành thêm và phần phí giao dịch. Với dòng tiền này, công ty tiếp tục tái đầu tư để gia tăng giá trị cho nó.

Tuy vậy, hiểu Dash như là một công ty cũng đúng như nó không phải là một thực thể duy nhất. Bên trong Dash lại có nhiều thực thể cạnh tranh nhau để dành càng nhiều phần của 10% này để tái đầu tư cho công việc của mình.

2. Mô hình công ty của Dash là có tạo ra dòng tiền để tiếp tục tái đầu tư để làm tăng giá trị cho cổ đông.

Ngoài khoản 45% số coin phát hành cho người đào để bảo đảm an ninh, 45% số coin phát hành trả cho người vận hành masternode để duy trì hạ tầng mạng lưới và phần thưởng cho việc tham gia ra quyết định kinh doanh. Còn 10% được tái đầu tư cho phát triển công nghệ, truyền thông, và các hoạt động quản lý. Nhờ vậy mà nhân sự công ty (tuy phi tập trung) vẫn tiếp tục phát triển và mọi người có động lực làm việc hăng hái. Nhờ có dòng tiền cho tái đầu tư, giá trị của cổ đông được tiếp tục gia tăng.

Với dòng tiền cho tái đầu tư người sáng lập không phải bán đi số cổ phần của mình để trả lương nhân viên. Nhân viên của anh ta cũng được trả bằng cổ phần và họ có động lực để làm cho cổ phần của mình tăng giá. Vậy những người trực tiếp tham gia công ty không bị mất đi động lực. Họ làm ra lợi nhuận cho chính họ và cho những người đầu tư vào công ty nếu sản phẩm của họ hữu ích hơn, đông người thích hơn và đông người mua hơn thì giá trị của họ lại gia tăng nhiều hơn, và của các cổ đông khác cũng vậy.

Theo dõi dòng tiền của Dash

- Đầu vào là số coin được phát hành thêm mỗi tháng và phí giao dịch. Ngoài khoản phí giao dịch biến đổi thì số coin mới sinh ra mỗi tháng vào khoảng 66,000 Dash. 
- Đầu ra là trong đó 45% cho miners để xác thực cho các giao dịch. Đây là kinh phí cho các hoạt động bình thường giống như các loại coin khác.
- 45% thứ hai dành cho hạ tầng mạng lưới. Các coin khác không có ngân sách này nên không thể có nguồn đầu tư cho phát triển hạ tầng cho tương lai nên nếu coin có đông người dùng thì các coin khác quá tải và chậm chạp còn Dash có ngân sách này đều đặn nên hạ tầng mạng lưới có thể tiếp tục được nâng cấp theo nhu cầu của người sử dụng.
- Còn 10% cho các dự án để làm phát triển công nghệ của Dash. Chúng ta có thể coin ngân sách này như chi phí cho R&D của doanh nghiệp.
- Cụ thể chi cho từng dự án, chúng ta có thể xem tại trang www.dashcentral.org/budget để biết 10% số coin và phí giao dịch được dùng cho dự án như thế nào.

Vậy sự khác nhau về dòng tiền của Dash và các coin khác

- Các coin cổ điển (POW, POS) thì có thể coin rằng nó có dòng tiền bổ sung để duy trì hoạt động (chỉ duy trì bảo đảm xác thực giao dịch ngoài ra không còn làm gì khác). Không có tiền cho tái đầu tư. Cộng đồng tự góp tiền với nhau hoặc ai thích thì tự bỏ tiền túi để làm PR, quảng cáo. Có thể thấy nếu coi đây là các công ty thì công ty này luôn ở trạng thái thiếu tiền mặt, thiếu vốn.
- Các coin ICO có dòng tiền đầu tư một lần đầu và sau đó không có tiếp. Lần đầu sau khi phát hành ICO thì công ty có nguồn tiền dồi dào nhưng chỉ có một lần mà công ty lại cần hoạt động lâu dài. Nếu coi đây là công ty thì công ty này sau một vài năm đầu thì cũng thiếu vốn và đến nỗi nó phải tự bán tài sản đi để duy trì qua ngày.
- Dash có dòng tiền cho duy trì hoạt động và cho tái đầu tư để phát triển. Bởi vậy nếu coi Dash là công ty thì nó không thiếu tiền, dòng tiền của nó ổn định và tăng trưởng (số lượng không tăng nhưng giá trị coin tăng nên theo tỷ giá đô la chẳng hạn thì nó luôn tăng). Bạn có thể theo dõi công cụ cấp phát vốn để biết cụ thể chi tiết chi phí cấp vốn cho những dự án nào.

Có thể thấy Dash không chỉ có bảng báo cáo cashflow tốt hơn mà còn minh bạch hơn rất nhiều so với các loại coin khác.

2 comments:

  1. Những bài viết trên blog này thực sự là những bài chất lượng nhất (tiếng Việt) về tính chất của các đồng tiền.

    Cảm ơn bác Kiên Bùi.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn bạn vì sự khích lệ.

    Rất mong tiếp tục nhận được những đóng góp, nhận xét và chia sẻ của bạn.

    ReplyDelete