Nước Mỹ giầu mạnh nhờ TỰ DO - DashVN

Latest

Tự do, công nghệ & đầu tư

Monday, July 24, 2017

Nước Mỹ giầu mạnh nhờ TỰ DO

Tại sao nước Mỹ là quốc gia giàu mạnh nhất thế giới? Phải chăng sự giàu có này là nhờ vào chính phủ, hay là nó đến từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp và doanh nhân?

Nước Mỹ được biết đến là quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới. Sự giàu có của đất nước này diễn ra trong thời gian dài, suốt hơn một thế kỷ và do đó sự thịnh vượng này được chúng ta coi là đương nhiên.




Vậy câu chuyện xảy ra như thế nào?
Dĩ nhiên có rất nhiều câu trả lời. Một trong những nguyên nhân làm nên sự thịnh vượng của nước Mỹ là họ đề cao giá trị của  thị trường tự do hơn việc chính phủ kiểm soát nền kinh tế.
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng nước Mỹ khởi đầu không phải ưu tiên thị trường tự do.
Trước khi tin tưởng vào thị trường tự do, người dân Mỹ đã đặt niềm tin vào chính phủ để đưa ra những quyết định thương mại quan trọng. Hay nói cách khác, chỉ sau khi chính phủ liên tục thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và những doanh nghiệp tư nhân lại thành công, lúc đó nước Mỹ mới bắt đầu phát triển một đế chế kinh tế không thể lật đổ.
Ba ví dụ dưới đây thể hiện rõ điều đó:
Năm 1808, ông John Jacob Astor mở Công ty sản xuất lông thú Mỹ và bán mặt hàng này trên khắp thế giới. Người châu Âu rất ưa chuộng những chiếc mũ làm từ lông hải ly bởi độ bền và sự ấm áp không gì sánh bằng của chúng. Ông Astor đã cung cấp cho khách hàng những sản phẩm mà họ mong muốn.
Tuy nhiên, thay vì để việc kinh doanh lông thú cho những doanh nghiệp có năng lực như Astor, chính phủ lại quyết định cùng tham gia.
Vậy là, công ty lông thú của chính phủ đầu tư ra đời, được điều hành bởi ông Thomas McKenney – một quan chức chính phủ. Theo lẽ thường, công việc buôn bán của ông McKenney đã có thể thắng thế bởi sự hậu thuẫn của chính phủ.

Thế nhưng,  cho dù ông Astor thuê hàng trăm công nhân viên nhưng vẫn thu về được một chút lợi nhuận nho nhỏ, thì công ty của ông McKenny lại thua lỗ mỗi năm. Cuối cùng, Quốc hội ra quyết định cắt hết các khoản trợ cấp cho ông McKenney và các tổ chức của cá nhân này vào năm 1822.
Tình huống tương tự xảy ra với máy điện báo trong khoảng những năm 1840.
Máy điện báo khi đó là bước tiến đầu tiên hướng tới các dịch vụ thông tin liên lạc mà chúng ta có ngày ngay. Máy điện báo truyền âm dưới dạng dấu chấm và gach ngang, biểu thị cho các ký tự trong bảng chữ cái, được phát minh bởi ông Samuel Morse. Chúng ta vẫn biết với tên gọi mã Morse.
Cha đẻ của máy điện báo, ông Morse, là người có tư chất sáng tạo hơn là một doanh nhân, đã đồng ý cho chính phủ sở hữu và vận hành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện báo “vì lợi ích quốc gia.”
Thực tế, chính phủ dần thua lỗ hàng tháng trong việc vận hành dịch vụ thông tin này. Trong năm 1845, khoản chi cho vận hành dịch vụ điện báo vượt quá doanh thu gấp 6 lần; đôi khi gấp 10 lần. Nhận thấy rằng phát minh trở nên vô giá trị, Quốc hội quyết định trao quyền sử dụng thứ công cụ thất bại này cho doanh nghiệp tư nhân.
Dưới bàn tay của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp kinh doanh điện báo đã cất cánh. Những người thúc đẩy dịch vụ điện báo đã nhấn mạnh đến cách máy điện báo có thể truyền tín hiệu tức thì để thông tin về những chuyện đang xảy ra cách xa hàng trăm dặm. Các ngân hàng, công ty môi giới chứng khoán và công ty bảo hiểm được chứng kiến một cỗ máy khiến họ dễ dàng quản lý các khoản đầu tư bất kể khoảng cách.
Dần dần khi chất lượng dịch vụ được cải thiện, đường dây điện tín nhanh chóng phủ rộng khắp cả nước: Từ 65km dây điện tín năm 1846 đến 36.800km năm 1852. Cho đến những năm 1860, nước Mỹ đã sở hữu đường dây điện báo xuyên lục địa. Và đến cuối thập kỷ đó, các doanh nghiệp tư nhân đã kết nối thành công đường dây cáp xuyên Đại Tây Dương.
Vì sao chính phủ Mỹ không tạo ra được lợi nhuận từ phát minh của Morse? Một phần bởi vì lợi nhuận chia cho công chức khác biệt rất nhiều so với doanh nghiệp. Khi chính phủ kinh doanh máy điện báo, các quan chức ở Washington không nhận được lợi nhuận từ doanh thu dịch vụ, và nếu công ty làm ăn thua lỗ thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm mà người đóng thuế sẽ phải bù đắp khoản đó. Vì vậy, các quan chức chính phủ không có lý do gì để phát triển dịch vụ, tìm khách hàng mới, hoặc mở rộng quy mô dịch vụ sang các thành phố khác.
Nhưng với những doanh nhân như ông Ezra Cornell, người sáng lập ra dịch vụ chuyển tiền nhanh Western Union, thì việc phát triển doanh nghiệp là điều tất yếu. Dịch vụ tốt hơn với chi phí rẻ hơn vừa thu hút nhiều khách hàng vừa thu về nhiều lợi nhuận hơn. Chỉ sau 15 năm kể từ khi Quốc hội tư nhân hóa máy điện báo, cả chi phí xây dựng lẫn giá kết nối dịch vụ giữa các thành phố chỉ bằng 1 phần 10 so với mức giá ban đầu do chính phủ thiết lập.
Một lần nữa, câu chuyện lặp lại với việc kinh doanh tàu chạy bằng đầu máy hơi nước. Trong những năm 1840, những con tàu hơi nước đều đặn đi lại giữa New York và Anh. Chính phủ đặt cược vào chủ tàu Edward Collins, một vị giỏi vận động hành lang chính trị hơn việc buôn bán.
Trong khi Quốc hội tài trợ cho ông Collins, thì ông Cornelius Vanderbilt cũng tự mở công ty tàu hơi nước riêng. Vì ông Vanderbilt giảm thiểu chi phí đi lại, nên những con tàu của ông luôn đầy ắp những hành khách háo hức thưởng ngoạn, và nhờ đó ông xây dựng được một công việc kinh doanh đồ sộ , sớm bỏ xa doanh nghiệp của ông Collins lại phía sau.
Ông Collins thất bại bởi ông không cảm thấy cần thiết phải nâng cấp, hoặc thậm chí chỉ là cung cấp dịch vụ đạt chuẩn an toàn thông thường (ví dụ, 2 trong số 4 tàu của ông bị chìm, với hàng trăm hành khách thiệt mạng). Nếu ông làm ăn thua lỗ, sẽ luôn có các chính trị gia sẵn sàng cho ông vay vốn. Trái lại, ông Vanderbilt phải phục vụ khách hàng tốt nếu không muốn công ty của mình bị phá sản.
Với ba câu chuyện nêu trên chúng ta có thể rút ra bài học như sau: Một nền kinh tế thịnh vượng đến từ các doanh nghiệp tự do, không phải từ trợ cấp của chính phủ. Dù ở trong thời đại nào chúng ta cũng cần ghi nhớ bài học này.
Minh Anh (biên dịch)
Nguồn: Trithucvn.net

No comments:

Post a Comment