Không ít người không biết có phải vì ngây thơ hay lười nhác mà muốn từ bỏ những quyền tự do của mình và hy vọng được ai đó đứng ra bảo đảm giúp. Nhưng liệu chúng ta có thể tin tưởng rằng các chính phủ, kể cả chính phủ ở những quốc gia tiến bộ nhất, tôn trọng tự do nhất như nước Mỹ có thể bảo vệ tốt được cho tự do của các cá nhân? Chắc không ít người trong chúng ta từng đọc các tin tức và biết rằng hacker có thể xâm nhập được vào những nơi vô cùng quan trọng và đánh cắp đi rất nhiều thông tin tuyệt mật. Vậy nếu mọi thứ của chúng ta giao cho chính phủ thì liệu chính phủ có thể bảo vệ tốt những thông tin này hay một lúc nào đó những kẻ khủng bố sẽ hack được, lấy đi để khủng bố người dân chúng ta mà chính phủ phải bó tay?
Bản thân các chính phủ cũng gặp không ít khó khăn khi phải đối phó với những nguy cơ khủng bố nên họ cũng tìm đủ cách để thu thập nhiều thông tin để có thể ngăn chặn các nguy cơ này. Còn những chính phủ độc tài thì muốn thao túng tư tưởng của người dân nên họ cũng có động lực truy quét các thông tin chúng ta đưa lên trên mạng để dự đoán, khống chế và thao túng suy nghĩ của từng người dân mà một trong những thông tin quan trọng cần sự riêng tư cao đó là các giao dịch tài chính.
Đó chưa kể đến các dạng tội phạm, những nguy cơ khủng bố muốn sưu tầm thông tin cá nhân để tống tiền, cướp, lấy trộm...
Chúng ta có thể không để ý, nhưng riêng thông tin giao dịch mua bán là một dạng thông tin khá quan trọng và nói lên khá nhiều điều về các cá nhân như sở thích ăn uống, sở thích tiêu dùng, thói quen đi lại... Những thông tin về tài chính cũng nói lên các mối quan hệ của chúng ta.
Ngày trước, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, con người dùng tiền mặt thì việc theo dõi thói quen chi tiêu là vô cùng khó khăn vì con người hay dùng tiền mặt. Nhưng từ khi các hệ thống máy tính của các ngân hàng phát triển, con người thường dùng hình thức chuyển khoản thì mọi thông tin giao dịch này đều được ghi lại. Nếu các chính phủ không theo dõi người dân thì hacker cũng rất quan tâm, chưa kể có thể có những nhân viên của các ngân hàng cũng muốn tò mò, tọc mạch nhằm tư lợi nào đó.
Với sự phát triển của công nghệ, việc theo dõi riêng từng người một cách hàng loạt không phải là một vấn đề gì đó khó khăn, đặc biệt là với sự giúp sức của các hệ thống trí tuệ nhân tạo trong việc theo dõi, phân tích dữ liệu lớn. Việc kết hợp theo dõi thông tin trên mạng xã hội với thông tin tài chính của từng cá nhân có thể là một công cụ mạnh mẽ để khủng bố tư tưởng và bẻ gẫy ý chí tự do của không ít người.
Vậy ít nhất ai sẽ là những người cần phải quan tâm đến sự riêng tư của thông tin cá nhân nhất là về vấn đề tài chính?
Có lẽ các giải pháp thanh toán với tiền kỹ thuật số là một cách khá tốt giúp những người có ý chí độc lập và khao khát tự do cần quan tâm, đặc biệt các loại tiền kỹ thuật số với tính riêng tư cao như Dash, ZCash là những công cụ rất tốt.
No comments:
Post a Comment