Những hệ điều hành siêu bảo mật dành cho dân "chơi" coin - DashVN

Latest

Tự do, công nghệ & đầu tư

Tuesday, May 16, 2017

Những hệ điều hành siêu bảo mật dành cho dân "chơi" coin

Sự kiện WannaCry làm rất nhiều máy tính bị lây nhiễm mã độc khiến cho dữ liệu trên những máy tính này bị "bắt cóc" và đòi tiền chuộc khiến cho rất nhiều người khóc dở mếu dở. Khác với những người dùng thông thường, dân "chơi coin" có thể chứa trong máy tính của mình những khoản tiền kỹ thuật số khá lớn. Vậy làm thế nào để bảo vệ tài sản của mình trước những nguy cơ bị hack mất dữ liệu? Bài viết này xin giới thiệu với các bạn về hai hệ điều hành được coi là siêu bảo mật giúp bạn bảo vệ thật tốt những thông tin quý giá của mình trước các hackers.


Qubes là một hệ điều hành tương đối phức tạp và được coi như là một pháo đài bảo mật với rất nhiều tính năng bảo mật. Bản thân hệ điều hành có một hệ thống firewall tích hợp sẵn, ngoài ra cho phép chuyển toàn bộ giao dịch mạng thông qua mạng lưới TOR khiến cho các giao dịch với bên ngoài được ẩn danh hoàn toàn. Không những thế tất cả các ứng dụng chạy trên hệ điều hành này đều được tự động đặt để phải chạy trong những máy ảo riêng biệt nên nếu giả sử trình duyệt web có chẳng may có lỗ hổng, tin tặc tấn công được cũng không thể ảnh hưởng đến các ứng dụng khác. Trình duyệt Tor bên trong Qubes cũng chặn không cho chạy các thành phần như Flash hay Javascript để giảm thiểu nguy cơ bị cài mã độc qua web.

Không những vậy toàn bộ đĩa cứng cũng được mã hoá toàn bộ với mật khẩu riêng khiến cho thông tin trên hệ thống Qubes được bảo mật rất an toàn. Giả sử chúng ta có cài đặt Qubes OS vào một chiếc USB và cắm USB này vào một máy tính khác có nhiễm mã độc thì mã độc cũng không thể nào ghi được vào vì toàn bộ chiếc USB đó đã được mã hoá.

Edward Snowden một nhà thầu cho CIA đang bị CIA truy lùng gắt gao tuyên bố rằng hệ điều hành Qubes là hệ điều hành rất an toàn và khuyên dùng cho những ai quan tâm đến bảo mật.



Tails OS cũng là một hệ điều hành rất bảo mật. Tuy nhiên, không giống như Qubes bắt buộc phải cài đặt lên máy, hệ điều hành Tails OS không cần cài đặt chỉ cần chạy trên USB và tương đối nhẹ nhàng.

Không giống như Qubes OS là mọi ứng dụng đều được chạy trên máy ảo thì trên Tails OS không dùng đến máy ảo cho nên khả năng nếu chạy các ứng dụng thì Tails OS dễ bị nguy cơ tấn công hơn. Tuy nhiên, hệ điều hành này cũng có những điểm rất ưu việt, đó là toàn bộ các giao dịch truyền tải trên hệ điều hành này đều được đưa qua mạng lưới TOR. Hệ điều hành có hai chế độ, một là chế độ hoạt động như một đĩa CD tức là không thể nào ghi xuống được dữ liệu, chế độ này dùng để duyệt web dùng xong là thôi, không lưu trữ gì. Còn một chế độ cho phép tạo một phân vùng lưu trữ được mã hoá để đảm bảo dữ liệu đó được bảo vệ an toàn.

Khác với Qubes OS là toàn đĩa cài đặt hệ điều hành được mã hoá thì Tails OS không mã hoá toàn bộ đĩa, cho nên nếu cắm chiếc USB này vào chiếc máy có nhiễm mã độc thì khả năng mã độc trong máy đó có thể thay đổi một số file của hệ điều hành trong USB của Tails. Nói vậy thôi chứ Tails OS cũng là một hệ điều hành rất bảo mật rồi nhất là nó không đòi hỏi phải có một USB có dung lượng lớn. Chỉ cần một chiếc USB 4 GB là thoải mái cho hệ điều hành này. Còn Qubes, muốn dùng trên USB phải qua quá trình cài đặt mất khá nhiều thời gian và yêu cầu tối thiểu USB 32 GB thì mới cài đặt được.


Tóm lại

Tuỳ vào nhu cầu sử dụng của bạn mà chọn một trong hai hệ điều hành siêu bảo mật trên đây. 

Tails OS giúp bạn bảo mật thông tin giao dịch trên mạng, giúp bạn truy cập Internet một cách ẩn danh không bị theo dõi, nhưng Tails OS không giúp bạn chống đỡ nguy cơ bị tấn công trên mạng. Tails OS có thể giúp bạn bảo mật dữ liệu trong phân vùng được mã hoá riêng, nhưng nếu cắm USB có Tails OS vào máy bị nhiễm mã độc thì mặc dù nguy cơ rất thấp nhưng cũng có thể bị nhiễm mã độc.

Qubes OS giống như một pháo đài bảo mật không những bảo mật với thông tin giao dịch trên mạng, để đảm bảo tính ẩn danh, bảo vệ thông tin trên máy bằng cách mã hoá toàn bộ thì hệ điều hành này bảo đảm trước mọi nguy cơ tấn công từ tấn công vào ứng dụng với các máy ảo riêng biệt đến nguy cơ thay đổi file vì mã hoá toàn bộ đĩa trong đó có cả hệ điều hành nên không sợ bị lây nhiễm nếu USB chứa Qubes OS có chẳng may bị cắm vào máy bị nhiễm mã độc. Tuy vậy, cài đặt và sử dụng Qubes OS tương đối phức tạp.

Nếu bạn muốn trao đổi về bảo mật thông tin, hãy comment vào phần dưới đây nhé.

No comments:

Post a Comment